HDL Cholesterol được biết đến là một loại cholesterol tốt của cơ thể. Khác với LDL Cholesterol, HDL Cholesterol có vai trò làm giảm các mảng bám xơ vữa trên nội mạc mạch máu, nói cách khác, chúng làm giảm nguy cơ mỡ máu và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch của cơ thể.
Mục lục bài viết
1. Loại Cholesterol tốt trong máu của bạn
Thông thường, chúng ta chỉ nghe về chỉ số Cholesterol nói chung. Tuy nhiên, trong Cholesterol được chia thành nhiều loại, trong đó, LDL-C (cholesterol xấu) và HDL-C (cholesterol tốt) là hai loại thường được nhắc đến nhiều nhất, cùng với triglyceride, có liên quan mật thiết đến trạng thái chuyển hóa lipid máu của cơ thể.

HDL thu nạp cholesterol dư thừa trong máu của bạn và đưa nó trở lại gan để phân hủy và loại bỏ khỏi cơ thể. Trong khi đó, LDL làm gia tăng mảng bám xơ vữa trên thành mạch gây gián đoạn máu lưu thông trong cơ thể. Khi hàm lượng LDL và HDL Cholesterol trong máu chênh lệch quá lớn so với mức cho phép, cụ thể là LDL-C tăng quá cao trong khi HDL-C bị giảm sút sẽ dẫn đến tình trạng bệnh lý được gọi là rối loạn chuyển hóa lipid máu (hay máu nhiễm mỡ).
> Tham khảo thông tin về LDL Cholesterol
2. Chỉ số HDL Cholesterol an toàn là bao nhiêu
Trong xét nghiệm lipid máu, nồng độ HDL-C được đánh giá như sau:
- Hàm lượng HDL thấp: Dưới 40 mg/dL. Ở ngưỡng này, sức khỏe mỡ máu và tim mạch của bạn sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ mắc các loại bệnh này cao
- Hàm lượng HDL tốt: Từ 40 mg/dL đến trên 60 mg/dL. Đây là mức HDL lý tưởng, trong khoảng này, nồng độ HDL càng cao càng mang lại hiệu quả phòng tránh nguy cơ mỡ máu và tim mạch tốt.
- Hàm lượng HDL quá cao: Từ 90 mg/dL trở lên. Trường hợp này khá hiếm gặp, nguyên nhân thường do các bệnh lý liên quan đến gen hoặc rối loạn chuyển hóa.

Nhìn chung, hàm lượng HDL Cholesterol cao trong giới hạn cho phép là dấu hiệu tốt.
3. Nguyên nhân làm giảm chỉ số HDL Cholesterol và giải pháp khắc phục
Một số nguyên nhân trong điều kiện và lối sống có thể làm giảm nồng độ DHL-C trong máu của bạn
3.1. Thừa cân, béo phì
Thừa cân có thể gây ra một số tình trạng sức khỏe, bao gồm cả việc giảm mức HDL của bạn. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể làm tăng nồng độ chất này và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
3.2. Yếu tố di truyền
Đôi khi, mức cholesterol HDL rất thấp có thể được di truyền. Các tình trạng làm giảm mức HDL nghiêm trọng bao gồm bệnh Tangier và bệnh thiếu hụt protein máu có đặc tính di truyền qua các thế hệ gia đình.
3.3. Chế độ ăn uống không tốt

Những gì bạn ăn cũng có thể ảnh hưởng đến mức HDL của bạn. Hạn chế chất béo bão hòa (ví dụ: bơ, kem, sữa nguyên chất hoặc 2%, thịt bò, thịt lợn, thịt gà có da) và thay thế chúng bằng chất béo không bão hòa đơn, có trong ô liu và bơ, và chất béo không bão hòa đa, có trong cá béo, có thể làm tăng HDL.
3.4. Lối sống ít vận động
Lười vận động có thể làm tăng cholesterol xấu và giảm HDL Cholesterol trong máu. Bạn nên thêm thói quen tập thể dục vừa phải vào thời gian biểu hàng ngày của mình để làm tăng nhẹ mức HDL. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị tập luyện thể dục thể thao khoảng 40 phút mỗi ngày từ ba đến bốn lần mỗi tuần — các ví dụ bao gồm bơi lội, đi bộ nhanh, chạy, đi xe đạp và khiêu vũ.
3.5. Hút thuốc
Sự độc hại của khói thuốc là rõ ràng không cần bàn cãi thêm. Các hóa chất có trong thuốc lá có thể làm giảm cholesterol HDL của bạn. Bỏ thuốc lá làm tăng hàm lượng HDL cholesterol rõ rệt, cũng như ngăn ngừa các bệnh mãn tính khác.

3.6. Bệnh tiểu đường không kiểm soát
Mức đường huyết cao có thể khiến mứcHDL cholesterol bị giảm. Nó cũng có thể làm tăng mức chất béo trung tính và LDL. Kiểm soát lượng đường trong máu của bạn có thể giúp đưa mức HDL của bạn trở lại trong mức khỏe mạnh. Điều này có thể được thực hiện bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc để điều trị.
Khi bệnh nhân không thể tự điều chỉnh nồng độ HDL bằng các phương pháp tự nhiên, các bác sĩ có thể khuyên họ dùng một số loại thuốc điều trị. Như vậy, HDL Cholesterol là loại lipid tốt và cần thiết của cơ thể. Hãy tuân thủ và kết hợp các thói quen sống lành mạnh để đảm bảo mức HDL lý tưởng nói riêng và bảo vệ sức khỏe của bản thân nói chung.