BẢN TIN

Chỉ số Triglyceride có ý nghĩa gì trong 4 chỉ số lipid máu?

Chỉ số Triglyceride là một trong 4 chỉ số quan trọng cần chú ý khi nhận kết quả xét nghiệm lipid máu. Bên cạnh chỉ số cholesterol toàn phần, LDL-C cao hoặc HDL-C thấp, chỉ số Triglyceride cao cũng cho thấy đây là một dấu hiệu không tốt đối với sức khỏe của bạn, đặc biệt có thể liên quan đến bệnh máu nhiễm mỡ.

Chỉ số Triglyceride có ý nghĩa gì trong 4 chỉ số lipid máu?

1. Triglyceride là gì?

Triglyceride là một dạng chất béo phổ biến nhất trong cơ thể con người. Chúng có nguồn gốc từ thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày, đặc biệt có nhiều trong bơ, dầu và đồ ăn nhiều dầu mỡ khác. Triglyceride trong cơ thể cũng được hình thành do sự chuyển hóa calo dư thừa và được tích trữ trong cơ thể ở dạng các mô mỡ. Khi chúng ta hoạt động, dùng sức nhiều, cơ thể cần sử dụng calo, triglyceride sẽ được giải phóng để tạo thành năng lượng phục vụ cho các hoạt động đó.

2. Ý nghĩa của chỉ số Triglyceride

2.1. Triglyceride trong xét nghiệm lipid máu

Thông thường, để cho kết quả xét nghiệm các loại lipid máu chính xác nhất, bác sĩ sẽ yêu cầu chúng ta xét nghiệm vào buổi sáng trong khoảng từ 6-8h. Đồng thời, cơ thể không nên hấp thụ các chất dinh dưỡng trong vòng 12 tiếng trước khi xét nghiệm và đối với các loại sữa, thuốc, nước ngọt, cà phê, thuốc lá là 24 tiếng trước khi xét nghiệm. Khi xuất kết quả, phần phân tích lipid máu sẽ gồm 4 chỉ số: Cholesterol toàn phần, LDL Cholesterol, HDL Cholesterol và Triglyceride. Trong đó, chỉ số Triglyceride được đánh giá như sau:

  • Ở mức bình thường: dưới 150 mg/dL (1,7 mmol/L).
  • Mức ranh giới cao: 150 – 199 mg/dL (1.7 – 2 mmol/L).
  • Mức cao: 200 – 499 mg/dL (2 – 6 mmol/L).
  • Mức rất cao: trên 500 mg/dL (trên 6 mmol/L).

2.2. Triglyceride cao chứng tỏ điều gì?

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số Triglyceride trên mức bình thường, nghĩa là bạn có thể đang phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh như xơ vữa động mạch, máu nhiễm mỡ và nhiều biến chứng khác về tim, gan, não,…

Chỉ số Triglyceride có ý nghĩa gì trong 4 chỉ số lipid máu?

Cụ thể, Triglyceride (hay còn gọi là chất béo trung tính) được đưa vào cơ thể sẽ phân tách và kết hợp với các chất khác tạo thành nguồn năng lượng tích trữ trong cơ thể ở dạng các mô mỡ. Tuy nhiên, khi lượng này vượt quá mức cho phép, mỡ sẽ tích tụ nhiều trong gan, máu gây bệnh. Phần triglyceride dư thừa trong máu cùng cholesterol bám thành từng mảng trên thành mạch máu, gây ra chứng xơ vữa động mạch, ảnh hưởng đến quá trình máu lưu thông trong cơ thể. Từ đó dẫn đến các bệnh lý mỡ máu, cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh về mạch ngoại vi và các vấn đề với não, thậm chí có thể xảy ra đột quỵ.

3. Nguyên nhân khiến chỉ số Triglyceride tăng cao

Các yếu tố có thể làm tăng triglyceride bao gồm:

  • Thường xuyên nạp nhiều năng lượng hơn tiêu thụ chúng, đặc biệt khi bạn ăn quá nhiều chất đường
  • Thừa cân, béo phì
  • Hút thuốc
  • Lạm dụng rượu, bia, thức uống chứa cồn
  • Do tác dụng phụ của một sốt loại thuốc
  • Gặp vấn đề về rối loạn chuyển hóa năng lượng
  • Bệnh tuyến giáp
  • Tiểu đường tuýp 2 khó kiểm soát
  • Bệnh lý về gan, thận

4. Làm gì để cải thiện chỉ số Triglyceride?

1. Vì nguyên nhân gây tăng Triglyceride chủ yếu là do lối sống không lành mạnh, bạn hoàn toàn có thể tự điều chỉnh bằng cách thay đổi những thói quen sinh hoạt hằng ngày.

  • Kiểm soát cân nặng: có thể áp dụng nguyên tắc đảm bảo lượng calo vào nhỏ hơn bằng lượng calo giải phóng nếu muốn giảm cân.
  • Tập thể dục thường xuyên, đều đặn
  • Hạn chế đường và đồ ăn chế biến sẵn
  • Từ bỏ rượu, bia, thuốc lá
  • Chuyển sang sử dụng nguồn chất béo có lợi hơn (như dùng dầu olive, dầu thực vật, chất béo tốt từ cá, các loại hạt,… thay vì dầu mỡ động vật)

2. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ cần đến sự can thiệp của thuốc để có thể giảm chỉ số Trglyceride máu.

3. Các loại thực phẩm mang công dụng giảm Triglyceride hiệu quả:

Chỉ số Triglyceride có ý nghĩa gì trong 4 chỉ số lipid máu
Thực phẩm giúp làm giảm chỉ số Triglyceride hiệu quả
  • Nước cam ép
  • Bột yến mạch
  • Hạnh nhân
  • Trà xanh
  • Cá hồi
  • Quả bơ
  • Đậu nành
  • Dầu olive
  • Dưa leo
  • Táo

Hy vọng các thông tin trên đây đã giúp các bạn đọc trang bị những hiểu biết cơ bản về chỉ số Triglyceride, nhờ đó biết cách phòng tránh những rắc rối sức khỏe liên quan đến chất béo vô cùng quan trọng này. Nếu đã thay đổi thói quen ăn uống, luyện tập cũng như cách sinh hoạt tích cực hơn mà các triệu chứng kể trên vẫn chưa thuyên giảm, hãy đi gặp bác sĩ để được chữa trị kịp thời. Chúc các bạn và gia đình luôn vui vẻ, bình an!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *