Rối loạn lipid máu là là một bệnh lý liên quan đến nồng độ các lipid trong máu và được chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu hoặc các hình ảnh bổ sung. Trong cơ thể, lipid là chất béo dạng sáp có trong máu, đóng vai trò quan trọng trong nhiều cấu trúc và chức năng của cơ thể. Rối loạn lipid máu liên quan đến nhiều bệnh lý đáng quan ngại khác.
Mục lục bài viết
Hiểu rõ hơn về rối loạn lipid máu
Cholesterol và triglyceride là hai loại lipid chính cần được nhắc tới ở đây.
1.1. Cholesterol
Cholesterol cấu tạo nên tế bào cơ thể và đóng nhiều vai trò chuyển hóa. Cholesterol tự nhiên của cơ thể được sản sinh ra bởi gan, 25% cholesterol được hấp thụ từ hầu hết các loại thực phẩm không phải thực vật như thịt, cá, trứng, sữa,… và đặc biệt có nhiều trong mỡ động vật
Cholesterol không tan trong nước, nó kết hợp với protein tạo thành các lipoprotein vận chuyển trong máu và làm các nhiệm vụ khác nhau. Khi trong máu chứa một lượng các chất này nằm ngoài giới hạn cho phép – quá cao hoặc quá thấp – thì được coi là rối loạn lipid máu.
LDL-cholesterol: là một loại lipoprotein, còn có tên khác là chất béo xấu. Đây là một trong những chất quan trọng trong thành phần liplid của cơ thể. Tuy nhiên, LDL-C chỉ nên xuất hiện với mật độ thấp. Khi quá nhiều LDL, chúng lưu thông trong máu và lắng động trong động mạch, tích tụ thành mảng bám, có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu, gây đau tim hoặc đột quỵ. Hàm lượng LDL-Cholesterol có thể được điều chỉnh thông qua lối sống để giảm nguy cơ gặp các biến chứng về xơ vữa mạch.
HDL-Cholesterol: Là lipoprotein tốt, có chức năng loại bỏ cholesterol khỏi cơ thể. Nồng độ cao HDL giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Mức HDL trong máu chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền, nhưng cũng có thể điều chỉnh để hàm lượng HDL tăng lên bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh, tập thể dục, giảm cân và đặc biệt là bỏ thuốc lá vì hút thuốc gây giảm HDL-cholesterol đáng kể.
1.2. Triglyceride
Triglyceride là chất béo có sẵn trong tế bào cơ thể và cũng được hấp thu qua dinh dưỡng hằng ngày. Chúng được sản xuất bởi gan và mô mỡ, đặc biệt là khi bạn tiêu thụ nhiều calo dư thừa từ đường và tinh bột. Trong cơ thể, triglyceride được vận chuyển đến đến các mô, nơi chúng được chuyển hóa thành p năng lượng hoặc được lưu trữ, nhất là trong mô mỡ.
Hàm lượng cao triglyceride có liên quan đến bệnh tim, cũng như kháng insulin, bệnh tiểu đường loại 2 và béo phì. Mức độ rất cao cũng có thể gây ra viêm tụy nguy hiểm. Thay đổi lối sống (tập thể dục, ăn kiêng và giảm cân) thường có thể giúp giảm mức chất béo trung tính.
Nguyên nhân của rối loạn lipid máu
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra rối loạn lipid máu. Một trong những trường hợp phổ biến nhất là do khuynh hướng di truyền. Nhưng quan trọng hơn hết, thói quen lối sống có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Cụ thể:
– Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, đường và carbohydrate đơn có thể dẫn đến tăng hàm lượng lipid, đặc biệt là triglyceride. Tăng mỡ bụng có liên quan đến nồng độ cholesterol LDL tăng cao, cũng như huyết áp cao và nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là những người ít vận động, cũng có thể bị rối loạn lipid, trong đó chất béo trung tính tích tụ trong cơ hoặc gan, thay vì được chuyển hóa thành năng lượng và thoái ra khỏi cơ thể.
– Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như steroid, estrogen là thành phần có trong thuốc tránh thai, một số loại thuốc điều trị huyết áp cao và các triệu chứng tâm thần, có thể làm tăng mức lipid. Một số rối loạn hormone — bao gồm hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), suy giáp và tiểu đường loại 2 — cũng có thể dẫn đến mức lipid cao.
Rối loạn lipid máu có biểu hiện gì?
Giai đoạn đầu của bệnh nhân rối loạn lipid máu thường không có triệu chứng. Các chỉ số cho thấy dấu hiệu của bệnh này là Cholesterol toàn phần cao, LDL cao, triglyceride cao và HDL thấp thường được phát hiện trong xét nghiệm máu khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Một số người có mức cholesterol và triglyceride rất cao có thể bị xanthomas — lắng đọng cholesterol xuất hiện ở mắt cá chân hoặc khuỷu tay — nhưng điều này không phổ biến
Vì chứng bệnh này không có biểu hiện rõ ràng, mọi người từ 20 tuổi trở lên được khuyến cáo nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần để đảm bảo sức khỏe của bản thân cũng như phát hiện và điều trị kịp thời nếu mắc phải những căn bệnh nghiêm trọng.
Ngoài ra, để phòng tránh cũng như chữa trị rối loạn lipid máu, các bạn nên tích cực xây dựng lối sống lành mạnh, đặc biệt là kiểm soát hàm lượng chất béo vào cơ thể qua chế độ ănvà tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Các thành phần lipid trên đây đều là những chất cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, đừng để những thói quen sinh hoạt xấu biến chúng thành tác nhân gây bệnh cho chính mình các bạn nhé.